29 thg 9, 2008

HÈ XANH


Bình Chánh bây giờ trời cũng chuyển mùa mưa
Nước mênh mông khắp ruộng đồng, đường xá...
Hè xanh về cứ như thêm phép lạ!
Thôi thúc bao người thành “chiến sĩ” xung phong.

Góp đôi tay nhóm lên ngọn lửa hồng,
Giúp em nhỏ sáng trong “vườn văn hoá”.
Trời chiều mưa, nước ngập lên nhiều quá!
“Chiến sĩ” vẫn sửa nhà giúp các má neo đơn.

Màu áo xanh phút chốc bỗng phai sờn,
Lòng “chiến sĩ” vững hơn bao giờ hết.
Bao khó khăn, nhọc nhằn không thấy mệt,
Đất đỏ, sình lầy in dấu vết những bàn chân...

15 ngày... Tất cả trở nên thân,
Thanh niên địa phương cùng hè xanh nhịp bước.
Ai cũng thấy mình trưởng thành hơn trước,
Thử thách trui rèn nên ý chí mỗi thanh niên...
(Lục bình)

SỐNG ĐẸP - SỐNG CÓ ÍCH!...

Cuộc vận động “Học tập theo gương các anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi – Mãi mãi tuổi 20” của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên trong huyện tìm hiểu và tham gia viết bài cảm nhận của mình về các anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi với chủ đề “Ngọn lửa tuổi 20” do Huyện Đoàn Bình Chánh phát động. Điều đáng lưu tâm ở đây là phần kết của hầu hết các bài viết, các bạn đề cập đến lý tưởng sống và vai trò nhiệm vụ của mỗi thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng: để xứng đáng với những hy sinh và cống hiến của thế hệ đi trước, thanh niên ngày nay phải “sống đẹp – sống có ích” cho đời, cho xã hội, đất nước. Và để hiểu được một cách đúng đắn, đầy đủ về khái niệm “sống đẹp – sống có ích” lại là một vấn đề khó khăn đối với mỗi chúng ta.

“Sống đẹp – sống có ích” là sống như thế nào? Theo tôi, khái niệm này rất rộng nhưng để đánh giá hoặc nhận xét một người được công nhận là “Sống đẹp – sống có ích” thì thật ra không quá khó. Sống đẹp – sống có ích nghĩa là bản thân người đó thường xuyên, tích cực tham gia công tác xã hội, biết quan tâm chia sẻ với cộng đồng những niềm vui, nỗi buồn, nỗi khó khăn, biết bảo vệ môi trường… Sống đẹp – sống có ích còn là sống tình nguyện, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư của mình vì niềm vui và hạnh phúc của những người khác, là sự nổ lực hết mình trong công việc để đạt được kết quả cao nhất góp phần cho sự phát triển chung của địa phương, đơn vị, của đất nước… Trong cuộc sống bình dị, đời thường hàng ngày, chúng ta rất dễ bắt gặp được những con người được gọi là “Sống đẹp – sống có ích”. Họ là những người con hiếu thảo, những chiến sĩ dân quân trẻ giỏi, thanh niên sản xuất – kinh doanh giỏi… được quần chúng nhân dân khen ngợi và được các tổ chức chính trị – xã hội mời lên sân khấu để tuyên dương, giao lưu với chúng ta. Rất nhiều và rất nhiều những điển hình “Sống đẹp – sống có ích”.
Như vậy, “Sống đẹp – sống có ích” là những người luôn luôn chấp hành và vận động mọi người chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Đồng thời, bản thân luôn trung thực, thẳng thắn, có chí cầu tiến tích cực, biết quan tâm chia sẻ với cộng đồng; không thờ ơ trước những vấn đề trái với đạo lý và truyền thống dân tộc, trái với pháp luật; mạnh dạng trong việc phê bình và tự phê bình, kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong xã hội; biết làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên phải làm giàu chính đáng và phát triển mọi mặt của đời sống bằng chính sự nổ lực của mình, không làm ảnh hưởng xấu và gây thiệt hại đến lợi ích của người khác, gây thiệt hại cho xã hội…
Nói một cách khác, “sống đẹp – sống có ích” là một lối sống lành mạnh, “sống vì mình và vì tất cả mọi người” thông qua những việc làm bình thường hằng ngày nhưng có ích, cũng như lời nhắn nhủ của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh: “Mỗi thanh niên hãy sống những ngày đẹp nhất, hãy bắt tay vào những công việc bình thường hàng ngày nhưng có ích cho đời”.
Không quá xa xôi và khó khăn để tìm thấy những điển hình “Sống đẹp – sống có ích” trong xã hội. Ai có dịp về thăm xã Bình Chánh - huyện Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh và ghé vào ấp 3 của xã đều sẽ được nghe kể về cô bé Lê Kim Sang – gương điển hình Người con hiếu thảo cấp thành phố năm 2005.
Sang sinh năm 1989, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ngụ tại ấp 3 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Ngay từ nhỏ, em đã chịu cảnh bất hạnh vì sự tan vỡ hạnh phúc của mẹ cha. Về sống với ông bà ngoại từ lúc nhỏ cho đến khi ông ngã bệnh bị liệt nửa người. Bản thân Sang nhận thức được rằng công lao chăm sóc dạy dỗ của bà, của ông đối với mình là quá lớn và em đã quyết tâm cố gắng đền đáp phần nào công ơn ấy bằng việc phụ giúp ông bà những công việc lặt vặt trong gia đình, bằng sự nổ lực học tập để mỗi năm nhận được bằng khen của nhà trường với danh hiệu “Học sinh xuất sắc”. Năm nay, Sang học lớp 11. Hằng ngày, ngoài giờ học tập, em giúp bà làm hết công việc trong nhà: từ việc nội trợ, bếp núc cho đến việc giúp bà chăm sóc, cơm nước cho ông trên giường bệnh.
Đến thăm em và gia đình trong một buổi chiều cuối năm 2005, khi Đài truyền hình và Ủy Ban Hội thành phố chuẩn bị thực hiện phóng sự về các gương điển hình Người con hiếu thảo năm 2005 cấp thành, tôi thật sự cảm phục cô bé ấy biết dường nào khi thấy em tất bậc lo cho ông từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc tắm rửa, giặt giũ … Ay vậy mà khi nghe phóng viên của HTV hỏi về những công việc đã làm để giúp ông bà, Sang mỉm cười hồn nhiên: “Có gì đâu ạ, trách nhiệm của em mà! Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, em chỉ biết làm như vậy để giúp ông bà phần nào…”. Bà con lối xóm xung quanh đều khen ngợi cô bé hiếu thảo, ngoan hiền. Còn đối với ông bà ngoại thì Sang là niềm kiêu hãnh lớn lao mỗi khi nhắc đến. Chúng tôi có thể nhìn thấy và cảm nhận rõ được điều ấy khi thấy ông của Sang nấc lên mấy tiếng, nghẹn ngào… (ông không nói được) khi nghe em trả lời với anh, chị phóng viên những cảm xúc, suy nghĩ của mình về những việc mình đã làm, về ý thức bổn phận của một đứa cháu gái. Hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình và tình trạng sức khỏe của ông, chúng tôi mới được biết ông bị bệnh liệt giường mấy năm nay. Trước đây, ông chỉ nằm một chỗ bất động, không nghe, không nói được và cũng không nhận biết được ai. Được sự quan tâm, giúp đỡ và chăm lo hết mình của Sang, đến nay tình trạng sức khỏe của ông đã khá hơn: ông có thể ngồi xe lăng để dạo xung quanh nhà, nghe, hiểu và nhận biết được tất cả mọi người khi trò chuyện, thăm hỏi.
Đúng vậy! Đối với Sang và đối với tất cả chúng ta, những công việc mà cô bé đã làm hoàn toàn là những việc hết sức nhỏ bé, tầm thường. Tuy nhiên đó lại là những điều mang lại niềm vui và hạnh phúc cho ông bà ngoại, và… đó cũng là những điều mà một bộ phận nhỏ trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn chưa thật sự làm được…
(Lục bình)

14 năm - Cháy mãi ngọn lửa tình nguyện

Khác với những ngày hè năm trước, Bình Lợi – xã nghèo nhất của huyện Bình Chánh như rộn ràng, sôi động hẳn khi bắt tay vào chặng “mở màn” của chiến dịch Mùa hè xanh 2005. Ai cũng bảo, có lẽ chặng đầu tiên của chiến dịch Mùa hè xanh năm nay sẽ mang lại nhiều khó khăn cho các xã lắm đây vì không có sự hỗ trợ của các chiến sĩ tình nguyện tại các trường cao đẳng, đại học về. Nhưng đối với anh Trương Hoàng Thanh – Chủ Tịch Hội Liên Hiệp Thanh Niên xã Bình Lợi thì đây không phải là điều khó nhất.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Lợi, một trong những xã nghèo của huyện ngoại thành, anh đã tự tạo cho mình một nghị lực mạnh mẽ để góp phần tham gia vào việc xây dựng xã nhà ngày một tiến bộ hơn. Một ngày đến với anh bằng công việc của người bưu tá: sáng từ 9 giờ đến 10 giờ nhận thư và đi giao, chiều từ 14 giờ đến 15 giờ. Thời gian còn lại, anh cùng với Ban chấp hành xã Đoàn và các thành viên trong Uy ban Hội LHTN xã Bình Lợi thực hiện hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của xã. Công việc tưởng chừng như thảnh thơi, nhàn rỗi nhưng tất cả đều không đơn giản tí nào… Bởi để cùng lúc làm tốt những hai nhiệm vụ thì bản thân anh phải sắp xếp cho mình một lịch trình cụ thể cho từng công việc, kể cả từng nội dung dự kiến mỗi ngày. Mà công tác thanh thiếu nhi ở một xã nghèo, heo hút như thế này thì lại càng khó hơn.